Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và Tập đoàn Hùng Nhơn ký biên bản hợp tác

Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và Tập đoàn Hùng Nhơn ký biên bản hợp tác

Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và Tập đoàn Hùng Nhơn ký biên bản hợp tác

Ngôn ngữ: Việt Nam
Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và Tập đoàn Hùng Nhơn ký biên bản hợp tác

Ngày 9/7, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký biên bản hợp tác, cùng thúc đẩy truyền thông trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là những mô hình chăn nuôi an toàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Vũ Mạnh Hùng (bên trái), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn và ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt ký biên bản hợp tác. Ảnh: P.Hưng.

Tại buổi làm việc, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á - tập đoàn chăn nuôi lớn của Hà Lan hiện đang liên doanh cùng Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư các dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng cho biết, ông rất ấn tượng với các hoạt động của báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt. 

"Việt Nam là đất nước nông nghiệp, các bạn lại đại diện cho tiếng nói của nông dân, lực lượng đông đảo nhất ở Việt Nam vì vậy tôi tin chúng ta sẽ hợp tác tốt nhằm truyền thông đến người dân những phương thức chăn nuôi hiện đại, an toàn nhất" - ông Gabor nói.

Theo ông Gabor, lần đầu tiên gặp Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ông rất trăn trở với con số mà bộ trưởng đưa ra: Việt Nam có hơn 40% lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chỉ tạo ra 20% GDP, trong khi Hà Lan chỉ có 1% lao động làm nông nghiệp nhưng cũng tạo ra 20% GDP.

"Mục tiêu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là cân đối lại hai con số đó, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là mục tiêu của De Heus khi bắt đầu đặt chân đến Việt Nam cách đây 12 năm đó là làm thế nào để tăng giá trị sản xuất cho nông dân, áp dụng con giống, công nghệ chăn nuôi phù hợp. Hiện nay, năng suất heo nái bình quân ở Việt Nam chỉ khoảng 13 - 15 heo con/lứa, nếu áp dụng con giống, công nghệ của De Heus có thể đạt tới 30 heo con/lứa" - ông Gabor cho biết thêm.

 

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á chia sẻ về mục tiêu đầu tư ở Đăk Lăk. Ảnh: P.Hưng.

Cũng theo ông Gabor, với việc dịch tả heo châu Phi còn diễn biến phức tạp, lại chưa có vaccine nên khó giữ được mô hình chăn nuôi cũ mà phải hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn môi trường cao hơn, con giống tốt hơn.

"Quan điểm của De Heus là không muốn cạnh tranh trực tiếp với người chăn nuôi, nghĩa là chúng tôi không muốn trực tiếp chăn nuôi vì sẽ đi ngược lại lời hứa 100 năm của tập đoàn mà muốn cung cấp cho người dân con giống tốt nhất, thức ăn tốt nhất và bao tiêu đầu ra cho họ, người chăn nuôi là đối tượng chịu vất vả nhất, chúng tôi sẽ giúp họ công nghệ mới để nâng cao hiệu quả chăn nuôi" - ông Gabor nhấn mạnh.

Còn theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, việc liên doanh cùng Tập đoàn De Heus thành lập Công ty cổ phần Phát triển lợn giống cao sản DHN tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk là một quyết định mạo hiểm trong thời điểm này bởi do tác động của dịch bệnh, nhiều dự án phải tạm dừng. "Giống như chúng tôi đang đi vào trong tâm bão" - ông Hùng nói.

Theo đó 2 doanh nghiệp sẽ cùng đầu tư xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn hiện đại theo công nghệ 4.0, với quy mô khoảng 2.500 con lợn cụ kị, 24.000 con lợn ông bà. 

Đây cũng được kỳ vọng là dự án chăn nuôi lợn lớn nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay. Lợn cụ kị, ông bà sẽ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan để tạo ra các giống lợn ông bà và bố mẹ, bảo đảm nguồn lợn giống tốt cung cấp cho thị trường chăn nuôi lợn.

"Chúng tôi áp dụng toàn bộ công nghệ chăn nuôi tiên tiến của Hà Lan, Đan Mạch, với 349 tiêu chí. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng vào tháng 8/2020, dự kiến có sản phẩm vào tháng 6/2021. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, hình thành chuỗi giá trị khép kín trong chăn nuôi" - ông Hùng cho biết.

Ông Gabor cho biết, tham vọng của DeHeus là muốn biến trang trại liên doanh với Hùng Nhơn là một hệ sinh thái hơn là đơn thuần một trang trại chăn nuôi lớn. Theo đó, vấn đề xử lý nước thải, chất thải sẽ được Tập đoàn quan tâm hàng đầu, khoảng cách giữa các trang trại được đảm bảo, đất đai được sử dụng hiệu quả bằng cách giữa các trang trại sẽ bố trí trồng cây ăn trái, phân bón, nước tưới lấy từ quá trình chăn nuôi lợn sau khi đã xử lý. 

"Nhiều người nói chúng tôi mạo hiểm, ai lại đi bỏ cả đống tiền vào nuôi lợn giữa thời buổi dịch tả lợn châu Phi còn đang diễn biến phức tạp. Tôi thì nghĩ khác, đúng là có mạo hiểm, dịch tả lợn châu Phi có sức tàn phá chẳng khác nào một cơn bão, nhưng nếu chúng ta đi đúng vào tâm bão thì sẽ tồn tại. Tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng, và trong khó khăn sẽ có cơ hội" - ông Hùng nhấn mạnh.