Bí quyết thành công của ông vũ mạnh hùng - ct hđqt, tgđ tập đoàn hùng nhơn : "chớp thời cơ, làm toàn

Bí quyết thành công của ông vũ mạnh hùng - ct hđqt, tgđ tập đoàn hùng nhơn : "chớp thời cơ, làm toàn

Bí quyết thành công của ông vũ mạnh hùng - ct hđqt, tgđ tập đoàn hùng nhơn : "chớp thời cơ, làm toàn

Ngôn ngữ: Việt Nam
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA ÔNG VŨ MẠNH HÙNG - CT HĐQT, TGĐ TẬP ĐOÀN HÙNG NHƠN: “CHỚP THỜI CƠ, LÀM TOÀN

"Thương trường tạo cho tôi bản lĩnh, thất bại cho tôi sự chịu đựng và dám... liều", ông Vũ Mạnh Hùng cho biết.

Khởi sự nghề nuôi gà từ năm 2001, chỉ hai năm sau, trận đại dịch cúm gia cầm đã khiến doanh nhân Vũ Mạnh Hùng trắng tay. Không nản lòng, ông tiếp tục gầy dựng từ đầu, lại thất bại.

Cứ ngỡ “giấc mơ trang trại gà” của Hùng vĩnh viễn khép lại. Thế nhưng, năm 2007, Vũ Mạnh Hùng bất ngờ cho ra đời trại gà có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Phước và chỉ sau một năm, doanh thu đạt hơn 117 tỷ đồng. Đến nay, Hùng Nhơn đã có tổng vốn gần một nghìn tỷ đồng với đàn gà đẻ trứng 320.000 con, 300.000 con gà thịt, một trại heo 9.600 con nái và nhà máy phân bón 40 ngàn tấn/năm.

 

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hùng Nhơn Group vinh dự được vinh danh
“Nhà quản lý tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh”.

 

* Động lực nào khiến ông đã hai lần thất bại mà vẫn kiên trì gầy dựng trang trại?

- Sau hai lần “trắng tay”, tôi “mất lửa” kinh doanh vì toàn bộ vốn liếng hết sạch. Phải nói theo đuổi con đường chăn nuôi, với tôi quả là một hành trình có quá nhiều thăng trầm. Không ít lần tôi muốn buông xuôi, nhất là vào thời điểm gà ngoại nhập về ồ ạt, gà của mình thì tồn kho trong khi lãi suất ngân hàng tới 27%/năm. Song nhìn lại 600 nhân viên và sự nghiệp đã gầy dựng, tôi lại động viên mình tiếp tục.

Sau lần thất bại thứ hai, tôi tự hỏi vì sao mình thất bại. Vì sao người ta làm được còn mình thì cứ thất bại này lại tiếp thất bại khác. Chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi đó, tôi day dứt không yên. Một đêm nọ, tôi bật dậy, quyết định phải “ra ngoài” xem người ta làm ăn thế nào. Ông bà xưa có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, quả không sai. Khi tham quan các trang trại nuôi gà ở Thái Lan, ở Đức, tôi phát hiện ra mình thất bại là do mình nuôi gà bằng chuồng hở. Muốn giải quyết vấn đề này chỉ có con đường duy nhất là đầu tư chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, gọi là chuồng lạnh.

Dù bị gia đình phản đối tôi vẫn quyết làm lại lần thứ ba. Gom góp, vay mượn vốn liếng, tôi đầu tư trại gà khép kín, các dãy nhà nuôi gà đều lắp máy điều hòa nhiệt độ. Trên diện tích 20ha, tôi nuôi gà theo mô hình tiên tiến nhất của Cộng hòa Liên bang Đức. Quy trình chăn nuôi tự động hóa 100%, theo dõi được nhiệt độ, độ ẩm, theo dõi được nước uống, thức ăn mỗi ngày trên từng con gà. Với quy trình này, mỗi năm trại gà Hùng Nhơn cung cấp cho thị trường hơn 4.500 tấn thịt gà sạch.

* Nếu “bí quyết” chỉ là công nghệ nuôi thì doanh nghiệp nào cũng có thể thành công, phải không, thưa ông?

- Trong kinh doanh, lợi thế chính là tinh thần dám làm và chọn thời điểm để làm. Thời điểm dịch gia cầm cũng là lúc thị trường bất động sản đang “nóng”. Nếu xét về lợi nhuận thì đầu tư “lướt sóng” chứng khoán, bất động sản lúc ấy dễ kiếm tiền hơn nhiều lần so với đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp vốn là lĩnh vực ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Hơn nữa, làm trang trại không dễ như nhiều người tưởng vì chi phí đầu tư một trang trại khoảng 20ha tốn khoảng 200 tỷ đồng cùng rất nhiều vấn đề phát sinh khác. Nếu không nhạy bén, không dám chấp nhận thất bại, không tâm huyết thì không thể làm nông nghiệp với quy mô lớn. Thậm chí, không phải nhiều tiền là làm được nông nghiệp mà phải có sự hiểu biết công nghệ, phải nhận biết công nghệ nào phù hợp và hiệu quả nhất.

Thấy được tiềm năng của lĩnh vực nông nghiệp hiện đại là rất lớn, cộng với “nghiệp nghề” cứ đeo đuổi nên tôi quyết đối diện với khó khăn lần nữa để đi đến đích đã chọn. Với quan điểm đã làm thì phải làm cho tới, toàn tâm, toàn sức, không đầu tư nửa vời nên tôi thành công.

* Quyết tâm là vậy nhưng hỏi thật, lúc đó ông có sợ thất bại lần nữa?

- Nếu phải thêm một lần thất bại nữa cũng không có gì phải sợ. Tuy nhiên “khởi nghiệp” lần thứ ba, tôi rất tự tin, bởi tôi đã có công nghệ, kể cả kinh nghiệm thất bại, cộng với sự dám làm. Nhưng nếu chỉ có công nghệ thì chưa đủ mà phải có đầu ra ổn định.

Vì vậy, song song với đầu tư, tôi đã hợp tác với Công ty CP Thái Lan để bao tiêu gà thành phẩm, đồng thời để đảm bảo kinh doanh bền vững và giảm thiểu tối đa rủi ro, tôi chọn mô hình liên kết gồm De Heus (đơn vị cung cấp thức ăn ), Bel Gà (cung cấp giống), Hùng Nhơn (trang trại chăn nuôi) và San Hà (công ty giết mổ). Với “kiềng bốn chân” này, chúng tôi sẽ lãi cùng lãi, lỗ cùng lỗ.

* Trong kinh doanh, đầu tư dàn trải dễ dẫn đến thất bại. Ông có nghĩ đến điều này khi đầu tư nuôi heo, làm phân bón, trồng cao su?

- Từ thành công của trại gà lạnh, tôi xây dựng mô hình chăn nuôi heo với qui mô 9.600 heo nái, mỗi năm cung cấp hơn 300 ngàn con giống cho nông dân khu vực miền Đông Nam bộ và 25.000 con heo thịt. Đây là mô hình hiện đại nhất, ngang tầm với các nước trong khu vực với số tiền đầu tư hơn 170 tỷ đồng. Theo tôi, đầu tư vào chuỗi chăn nuôi khép kín là hợp lý và giải được bài toán rủi ro vì “không bỏ trứng vào một rổ”. Ví dụ, khi gà rớt giá sẽ có heo, heo rớt giá sẽ có trứng gà...

Mới đây Hùng Nhơn còn ký hợp tác với De Heus để xây dựng “Thung lũng thực phẩm an toàn” ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai với tổng vốn 50 triệu USD phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín từ con giống đến thành phẩm. Mục đích của chúng tôi là cung cấp chuỗi sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc cho thị trường. Mô hình kinh doanh khép kín từ đầu vào tới đầu ra giúp chúng tôi giảm được chi phí tối đa và tạo được công ăn việc làm cho người lao động.

Trong thế giới kinh doanh mở, sự đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, không an toàn sẽ khó có đất sống. Khi đã có định hướng đúng thì phải huy động các nguồn lực tạo ra tiềm lực tài chính đủ mạnh, như vậy mới có thể chớp thời cơ, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường.

* Ông nghĩ gì trong quá trình xây dựng thương hiệu?

- Thương hiệu chính là giấy chứng nhận uy tín của doanh nghiệp. Vì vậy, đây là con đường tất yếu mà doanh nghiệp phải làm để khẳng định mình. Và chỉ có một cách duy nhất để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có trách nhiệm với người tiêu dùng và môi trường.

* Nhiều năm qua đã có bao lo lắng về việc gà nhập “giết” gà nội. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước, ông có kiến nghị gì?

- Theo tôi, Chính phủ cần có chính sách bảo hộ doanh nghiệp chăn nuôi và người chăn nuôi trong nước. Hiện nay, lợi thế lớn nhất của chúng ta là giá nhân công rẻ, chăn nuôi tại chỗ nhưng giá thành một kg gà cũng không thể dưới 20.000 đồng. Thế nhưng, giá gà nhập chỉ có 15 - 16.000 đồng. Nên biết, hiện nay giá gà ở Bỉ, ở Hà Lan là 50 - 60.000 đồng/kg.

Quy định ở các nước là nếu thịt gà hết hạn sử dụng phải tiêu hủy, mà chi phí tiêu hủy rất lớn, vì vậy, không loại trừ khả năng nguồn hàng này đã được nhập về Việt Nam và như vậy, chất lượng gà chắc chắn có vấn đề.

Chính phủ cũng cần có chính sách bảo hộ cho nông dân chăn nuôi, như thuế suất cho vay 5%/năm chẳng hạn. Một bất cập hiện nay là thực phẩm Việt Nam xuất đi rất khó do quy định của nước nhập khẩu về chất lượng và an toàn thực phẩm rất khe khắt, trong khi nguồn thực phẩm nhập vào Việt Nam lại rất dễ. Đơn cử, khi xuất heo ra nước ngoài, đòi hỏi doanh nghiệp chăn nuôi phải có chứng nhận nước thải đạt loại A (là nước uống được), mà nước thải chăn nuôi thì hầu như không có doanh nghiệp nào đạt được tiêu chuẩn này.

* Ông cho rằng chăn nuôi là ngành đang có tiềm năng, và như vậy thì cạnh tranh càng gay gắt?

- Nhiều doanh nghiệp đổ vốn vào sản xuất nông nghiệp là điều đáng mừng vì khi có nhiều người cùng làm sẽ có thêm sức mạnh chung. Đó cũng là động lực để mình tìm cách sản xuất lớn hơn. Quan điểm đầu tư của tôi là những gì không biết thì không làm. Lĩnh vực chăn nuôi hiện đại tôi đi trước nhiều năm so với không ít doanh nghiệp khác nên lại càng không ngại cạnh tranh. Đến thời điểm này, có thể nói, trang trại của Hùng Nhơn tốt hơn các trang trại ở Campuchia, Lào, Thái Lan về quy mô, công nghệ và quỹ đất.

* Hai mươi năm làm việc với đối tác nước ngoài, ông học được gì từ họ?

- Trước đây tôi chỉ là một “doanh nhân chân đất”, không chú ý nhiều đến hình thức, cứ cái quần lửng, áo thun, bốt cao su rảo khắp trang trại. Khách đến Công ty cũng nguyên bộ đồ vậy ra tiếp. Thậm chí nói năng cũng lỗ ba lỗ bỗ. Nhưng bây giờ làm ăn với cả thế giới, tôi phải thay đổi từ cách ăn mặc, đi lại đến giao tiếp. Ngay cả tư duy tuyển dụng nhân sự cũng khác. Ngày xưa tôi chỉ ưu tiên chọn đội ngũ lãnh đạo là dân địa phương, bây giờ đòi hỏi trình độ cao hơn và ưu tiên ứng viên ở TP.HCM hoặc các công ty nước ngoài. Hay như trước đây việc trả lương cho nhân viên cao, sợ lắm, bây giờ trả lương càng cao thì đóng góp của họ để làm ra lợi nhuận cho công ty cũng càng cao.

Song, điều thay đổi lớn nhất mà tôi học được từ đối tác nước ngoài, đó là sự kiên nhẫn. Đặc biệt, trong quan hệ làm ăn, họ không quan tâm đến những vấn đề cá nhân mà chỉ quan tâm đến việc làm của anh ra sao và uy tín của anh thế nào. Trong làm việc thì đề cao tinh thần trách nhiệm, chỉ làm hết việc không làm hết giờ.

* Thế còn thất bại đã cho ông điều gì?

- Thương trường tạo cho tôi bản lĩnh, thất bại cho tôi sự chịu đựng và dám... liều. Tôi đang ấp ủ kế hoạch mở một trường cho nông dân học nghề nông nghiệp để họ có thêm kiến thức, kỹ năng để bớt chân lấm tay bùn.

* Có lúc nào ông bị dư luận làm cho hoang mang?

- Có chứ! Thậm chí bầm dập. Nhưng đích cuối cùng trong cuộc sống của tôi là gia đình nên tôi biết buông bỏ cái gì không cần nghĩ đến. Phải biết chọn bạn mà chơi, chọn đối tác để đi đường dài. Cứ làm đúng, sống tốt, sẽ thanh thản. Quan điểm sống của tôi là cứ cho đi sẽ nhận lại.

* Cám ơn ông về những chia sẻ cởi mở!

Báo Doanh nhân Sài Gòn