“Cú” đột phá của De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn lên Tây Nguyên

“Cú” đột phá của De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn lên Tây Nguyên

“Cú” đột phá của De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn lên Tây Nguyên

Ngôn ngữ: Việt Nam
"CÚ" ĐỘT PHÁ CỦA DE HEUS (HÀ LAN) VÀ TẬP ĐOÀN HÙNG NHƠN LÊN TÂY NGUYÊN
Ông Vũ Mạnh Hùng (trái) và ông Gabor Fluit (phải) trong dịp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (giữa) thăm chính thức VN ngày 10.4.2019. 

Đắk Lắk là tỉnh có cơ cấu nông nghiệp vượt trội. Trong đó, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và có tính quyết định đến sự bình ổn của ngành nông nghiệp. Chăn nuôi của tỉnh giai đoạn 2010 - 2018 tăng trưởng đều với tốc độ 3,27%/năm về giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010, tăng trưởng về số lượng với tốc độ 1,98%/năm và tăng trưởng về sản lượng thịt hơi xuất chuồng với tốc độ 3,3%/năm. Năm 2018, đàn lợn đạt 769,8 ngàn con và sản lượng thịt hơi đạt 132,7 ngàn tấn (chiếm 41,8% về số lượng và 59,9% về sản lượng thịt hơi của vùng Tây Nguyên).

Đàn lợn của tỉnh Đắc Lắc hiện đứng đầu vùng Tây Nguyên về số lượng và sản lượng thịt; đứng thứ 8 cả nước về số lượng nhưng sản lượng thịt đứng thứ 6. Thấy được tiềm năng chăn nuôi của Đắc Lắc, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn Group đã quyết tâm cùng bỏ vốn đầu tư dự án chăn nuôi “khủng” ngay tại vùng đất này.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus VN (thuộc Tập đoàn De Heus) - cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhu cầu về giống di truyền sạch bệnh lại vô cùng cấp bách cho rất nhiều địa phương. Vì vậy, với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính của mình, De Heus muốn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ở Đắc Lắc”. Theo ông Gabor, khu chăn nuôi này sẽ là hạt nhân để thành lập vùng an toàn dịch bệnh; là nơi cấp giống di truyền sạch bệnh cho các địa phương, sau mỗi đợt dịch bệnh để phục vụ việc tái đàn... Nơi đây sẽ cung cấp bình quân 24.000 con heo giống cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) v.v...

Các giống heo được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo nguồn gien tốt, quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kĩ thuật nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu  cao về heo giống ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường. Khoảng 200 ha sẽ được tỉnh Đắc Lắc giao cho việc thực hiện dự án. Khu chăn nuôi gồm 05 hạng mục đầu tư: trang trại chăn nuôi heo cụ kỵ và gà giống (80 ha); nhà máy giết mổ heo thịt khoảng 5 ha; nhà máy sản xuất phân hữu cơ khoảng 10 ha; khu điều hành - dịch vụ hỗ trợ (20 ha) và khu canh tác theo hướng hữu cơ (30 ha). Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 1.500 tỷ đồng.

Công nghệ hiện đại 4.0

Là đối tác hết sức quan trọng cùng De Heus thực hiện dự án, ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Hùng Nhơn Group - cho biết: “Điểm ưu việt, vượt trội của dự án là áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt trong quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Thật vậy, dự án sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Khu chăn nuôi khi thành hình sẽ áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, trồng trọt theo hướng hữu cơ, giết mổ heo và sản xuất phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Điều này góp phần nâng cao giá trị môi trường của sản phẩm heo giống, đóng góp vào giá trị cuối cùng của sản phẩm thịt heo. Đồng thời, còn tạo ra cơ hội việc làm cho 250 - 300 người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk, đào tạo cho tỉnh nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh

- Tập đoàn De Heus được thành lập vào năm 1911 tại Hà Lan và sau hơn 100 năm vẫn còn thuộc sở hữu của gia đình De Heus. Tập đoàn De Heus hiện đã vươn lên thành một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Hà Lan. De Heus  hiện đang xuất khẩu đến hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, có nhà máy tại Hà Lan, Nga, Ba Lan, Serbia, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng Hòa Séc, Brazil, Việt Nam, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia và Myanmar với hơn 4.000 nhân viên. Tập đoàn hiện tại đứng ở vị trí thứ 14 toàn cầu, là một trong những tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới. De Heus Việt Nam trực thuộc tập đoàn De Heus, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm và thủy sản, hiện có 9 nhà máy và hệ thống các kho trung chuyển hoạt động trên khắp cả nước.

** Tập đoàn Hùng Nhơn Group là Tập đoàn với nhiều lĩnh vực kinh doanh, có trụ sở chính ở tỉnh Bình Phước: Tập đoàn sở hữu 20 trang trại gà thịt (20 ha), cung cấp ra thị trường 3 triệu con/năm. Có 8 trang trại gà đẻ trứng (7 ha) cung cấp ra thị trường 1 năm 130 triệu quả trứng. Có 48 trang trại heo (100 ha) cung cấp ra thị trường 9.600 con heo nái và 250.000 con heo giống. Nhà máy phân bón Đồng Phú (4 ha, công suất 40.000/năm). Trồng rừng và cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đại lý Nissan 3S Gò Vấp, TP HCM hiện đại nhất trong hệ thống Nissan tại Việt Nam. Nhà phân phối chính thức và độc quyền mỹ phẩm Mediheal (Hàn Quốc) tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn Hùng Nhơn sản xuất chăn nuôi  theo mô hình liên kết chuỗi từ con giống, thức ăn, mô hình chăn nuôi cho đến chế biến giết mổ, nhằm cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn và mang tính sự ổn định cho người chăn nuôi.  Dây chuyền sản xuất khép kín, tự động hóa theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay của Big Dutchman CHLB Đức, theo 349 tiêu chuẩn khắt khe của Global G.A.P.

Tác giả: Đông Anh

Phòng Thông Tin - Truyền Thông