Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 2): “Đất vàng” xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 2): “Đất vàng” xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 2): “Đất vàng” xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Ngôn ngữ: Việt Nam
Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 2): “Đất vàng” xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Tây Nguyên cũng có nhiều thuận lợi để xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, hiện đại, xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Áp lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Đắk Lắk được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Riêng chăn nuôi lợn, Đắk Lắk đứng thứ 7 cả nước về quy mô đàn (khoảng 820.000 con tính tới tháng 6/2020).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đăk Lăk, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phát triển tương đối ổn định, các loại dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh, dịch tả, cúm gia cầm, cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc hầu như năm nào cũng phát sinh các ổ dịch, mới đây lại thêm dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi.

 
 

 

 

Người dân huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: I.T

 

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nguyên nhân gây ra bệnh dịch chủ yếu do người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến việc chăn nuôi an toàn dịch, nhất là tình trạng chuồng trại rất tạm bợ, đa phần nền đất, chăn nuôi thả rông, không tuân thủ tiêm phòng vaccine theo định kỳ nên mầm bệnh dễ phát triển nhanh. 

Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi đã có ý thức xây nền chuồng bằng xi măng cho gia súc ở, tuy nhiên khu để chất thải lại sát với chuồng nên mầm bệnh dễ phát tán. Bên cạnh đó, với đặc điểm chăn nuôi bò thả rông vào rừng là chính nên nhiều hộ bỏ qua công tác tiêm phòng, dẫn đến dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk đã xây dựng đề án về vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn tại các cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung và đàn gia súc chăn nuôi phân tán trên địa bàn huyện Ea Kar; hướng đến mở rộng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại tại các địa phương khác trên toàn tỉnh.

Mục đích của đề án là nhằm khống chế không để xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu.

Dự án chăn nuôi do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn góp vốn, cam kết ứng dựng công nghệ cao để đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, thí điểm xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Trên quy mô cả nước, theo Cục Thú y, chỉ trong năm 2019 bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm thiệt hại hơn 6 triệu con lợn, trong khi dịch lở mồm long móng cũng khiến khoảng gần 19.000 con gia súc (chủ yếu là lợn) bị bệnh chết và phải tiêu huỷ. Ngoài ra, còn khoảng hơn 133.000 con gia cầm tại 24 tỉnh, thành phố bị tiêu huỷ vì nhiễm virus cúm gia cầm.

Mặc dù ngành thú y đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng và duy trì các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhưng đến nay cả nước mới có 32 vùng an toàn dịch bệnh (chủ yếu là cấp huyện), 138 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và hơn 1.660 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp trang trại. 

Đáng chú ý là do chưa có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới công nhận nên việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Triển vọng từ các dự án mới

Trong khi các vùng chăn nuôi lớn như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng đang gặp khó khăn vì diện tích đất đai nhỏ hẹp, xen kẽ trong khu dân cư thì khu vực Tây Nguyên lại đáp ứng được nhiều tiêu chí để phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh. 

Nhận thấy được những thuận lợi đó, mới đây 2 doanh nghiệp chăn nuôi lớn là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) đã bắt tay triển khai 2 dự án chăn nuôi quy mô lớn tại Đăk Lăk và Gia Lai.

Trong đó, tại Đăk Lăk, 2 doanh nghiệp đang đầu tư triển khai "Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk" trên địa bàn xã Ea M'Droh (huyện Cư M'Gar), với tổng vốn cả giai đoạn 2019 - 2025 là 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng).

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, dự án có diện tích gần 200ha, bao gồm khu trang trại chăn nuôi 2.400 con lợn giống cụ, kỵ được chọn lọc và được nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan trên diện tích 80ha; khu chăn nuôi gà giống 30ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và sản xuất phân hữu cơ 15ha; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh 30ha... Quy trình chăn nuôi áp dụng công nghệ 4.0, theo 349 tiêu chuẩn của GlobalGAP.

"Nếu so với các vùng chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương thì khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk gặp khó khăn hơn về đường giao thông, xa các thị trường tiêu thụ lớn, hệ thống dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế... Nhưng sở dĩ chúng tôi vẫn chọn đầu tư ở Đắk Lắk, hay Gia Lai là bởi các vùng khác không dễ tìm được diện tích đất đai rộng lớn, xa khu dân cư để xây dựng khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao" - ông Hùng nói. 

Hai Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn cũng liên doanh đầu tư dự án "Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai", nhằm xây dựng chuỗi liên kết khép kín trong chăn nuôi, gồm chọn lọc, sản xuất lợn giống; giết mổ lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi và định hướng xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á.

Đại diện 2 tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Hùng Nhơn (Việt Nam) và đại diện ngoại giao 2 nước tại hội nghị công bố dự án ngày 24/6 tại tỉnh Gia Lai với quy mô đầu tư khoảng 1.030 tỉ đồng. Ảnh: T.L

 

"Hiện phía tỉnh Đắk Lắk đã và đang tạo điều kiện rất thuận lợi để Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk (liên doanh Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus) xây dựng Đề án vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả trên lợn tại xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar" - ông Hùng cho biết thêm.   

Mục tiêu của dự án này là đưa Đăk Lăk trở thành tỉnh phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp giống lợn và gà an toàn dịch bệnh cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam và là vùng thí điểm an toàn dịch bệnh đầu tiên ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tổ hợp sau khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm theo chuỗi liên kết khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và định hướng xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á.

"Dự án dự kiến cuối năm 2021 sẽ chính thức cung cấp giống lợn sạch, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường Việt Nam" - ông Hùng nói. 

Trong định hướng 5-10 năm tới, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Sau khi hoàn thành dự án tại Đắk Lắk, Gia Lai, tiếp đến sẽ triển khai tại Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng, nâng tổng công suất chăn nuôi lợn lên 10.000 - 15.000 con lợn giống cụ kỵ, và từ 100.000 - 120.000 con lợn ông bà.

Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Nguồn: danviet.vn