LỄ KÝ KẾT BIÊN BẢN GHI NHỚ VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC VÀ ĐỐI TÁC (MoU)

LỄ KÝ KẾT BIÊN BẢN GHI NHỚ VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC VÀ ĐỐI TÁC (MoU)

LỄ KÝ KẾT BIÊN BẢN GHI NHỚ VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC VÀ ĐỐI TÁC (MoU)

Ngôn ngữ: Việt Nam
LỄ KÝ KẾT BIÊN BẢN GHI NHỚ VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC VÀ ĐỐI TÁC (MoU)

Nhân chuyến viếng thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Vương quốc Hà Lan, ngày 12/12/2022, tại Thủ đô Amsterdam, Tập đoàn Hoàng gia De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về Quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai tập đoàn.

Lễ ký kết MoU có sự chứng kiến đặc biệt của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ngoài ra, Lễ ký kết còn có sự chứng kiến của lãnh đạo chính phủ và các quan chức bộ, ngành của hai nước Hà Lan và Việt Nam.

Ông Koen De Heus, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus và ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn tại buổi lễ ký kết MoU

Tham dự Lễ ký kết MoU, đại diện phía De Heus là ông Koen De Heus, Tổng Giám đốc toàn cầu. Đại diện phía Hùng Nhơn là ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc.

Theo thoả thuận, De Heus và Hùng Nhơn có kế hoạch hợp tác, xây dựng và phát triển các dự án liên quan đến nông nghiệp như: Chăn nuôi giống gia súc, gia cầm; Phát triển nguồn nguyên liệu (ngô, sắn) cung cấp cho lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình HTX của Hà Lan tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, giống gia cầm chất lượng cao cho thị trường Việt Nam, hai bên sẽ phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao giai đoạn 2022-2030. Trong đó, Hùng Nhơn sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới. Còn De Heus sẽ cung cấp cho các trang trại chăn nuôi các nguồn heo giống và gà giống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 7.500 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 30.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk

Chia sẻ về quyết định chọn Hùng Nhơn là đối tác chính của De Heus tại Việt Nam, ông Koen De Heus, Tổng Giám đốc toàn cầu, cho biết: “Hùng Nhơn là doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung. Đặc biệt, mô hình hoạt động của Hùng Nhơn phù hợp với kế hoạch phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh với mục tiêu trở thành người bạn đồng hành của người chăn nuôi và doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam. De Heus mong muốn hợp tác với Hùng Nhơn để cùng đồng hành thực hiện các mục tiêu này”.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ: “De Heus là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như De Heus, Windmill, Koudijs... Do vậy, được hợp tác với De Heus là vinh dự cho Hùng Nhơn. Bởi qua việc hợp tác này Hùng Nhơn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ chăn nuôi tiên tiến của Hà Lan. Từ đó, phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn của Hùng Nhơn trong tương lai”.

Được biết, trong chiến lược hợp tác, De Heus và Hùng Nhơn đã thành lập chuỗi Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại 3 tỉnh Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và sắp tới là 2 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum. Tổ hợp dự kiến sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, giết mổ heo và sản xuất phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á”, ông Hùng khẳng định.

Thông tin thêm về chuyến viếng thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Lan:

Từ ngày 11 đến 13/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến có chuyến viếng thăm và làm việc tại Vương quốc Hà Lan. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là dịp để hai nước khẳng định mối quan hệ quan hệ Đối tác toàn diện, trong tổng thể quan hệ tốt đẹp với Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023.

Trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Pham Minh Chính đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Hà Lan:

- Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và huy động thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư/tài trợ/đối tác phát triển tới khu vực ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung nhằm chung tay thực hiện Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững khu vực ĐBSCL;

- Đề nghị Hà Lan tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan quản lý, nghiên cứu và đào tạo Việt Nam để tăng cường năng lực trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp, giảm phát thải/tăng trưởng xanh, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, cảnh quan nông nghiệp và logistic;

- Đề nghị Hà Lan phối hợp, hỗ trợ trong việc thực hiện các nghiên cứu áp dụng công nghệ không gian trong lĩnh vực thủy lợi, sự cố hồ đập, tưới tiêu, hợp tác chống xói lở bờ sông bờ biển, và công nghệ sử dụng cát gây bồi tạo bãi.

- Chính phủ Hà Lan tiếp tục ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để EU xóa “thẻ vàng” đối với thủy sản cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất; đồng thời hỗ trợ truyền thông về chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam và hỗ trợ người dân ven biển phát triển sinh kế.

- Hà Lan hỗ trợ Việt Nam thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo thực phẩm cho vùng Đông Nam Á và 100 triệu nông dân canh tác phát thải thấp. Bên cạnh đó, cũng đề nghị Hà Lan phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị quốc tế năm 2023 về hệ thống thực phẩm tại Việt Nam nhằm đảm bảo ANLT trước bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.

- Hai bên tích cực tháo gỡ và thúc đẩy thương mại nông sản thông qua các hội nghị/chợ xúc tiến, trao đổi đoàn doanh nghiệp và hợp tác liên doanh liên kết. Đề nghị Hà Lan có vốn vay hỗ trợ, gắn kèm với đầu tư của doanh nghiệp.

Tập đoàn Hùng Nhơn:

Hùng Nhơn là doanh nghiệp đi lên từ chăn nuôi, với kinh nghiệm trên 20 năm phát triển đã vươn mình trở thành tập đoàn “đa ngành nghề” hoạt động mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Tập đoàn Hùng Nhơn đặc biệt có thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn ISO, Global GAP và các tiêu chuẩn chuyên nghành quốc tế khác.

Tập đoàn Hùng Nhơn hiện sở hữu 15 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN, với 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trong đó hệ thống trang trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà mỗi năm, hệ thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng mỗi năm, hệ thống các trang trại nuôi heo giống cụ, kỵ, ông bà, bố mẹ và heo thương phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế với tổng sản lượng 14.000 con heo giống (bố mẹ) và 375.000 con heo thương phẩm mỗi năm.

Tập đoàn De Heus:

De Heus là một tập đoàn có hơn 110 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp tiên tiến về thức ăn chăn nuôi và dinh dưỡng động vật. De Heus hiện có quy mô hơn 100 nhà máy hiện đại trên toàn cầu, sản phẩm được được xuất khẩu hơn 75 quốc gia, vùng lãnh thổ trên trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, De Heus sở hữu 23 nhà máy được trang bị dây chuyền công nghệ tự động hóa tiên tiến hàng đầu và được giám sát vận hành sản xuất bởi các chuyên gia quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 22000 và Global GAP.

De Heus Việt Nam tự hào cung ứng sản phẩm cho hàng triệu hộ chăn nuôi, nuôi trồng các sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản chất lượng châu Âu, cùng nhiều giải pháp đột phá giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí chăn nuôi, nâng cao năng xuất và tạo ra những phẩm sạch, an toàn, có giá trị cao. De Heus Việt Nam đã đi tiên phong và thành công trong việc kết hợp cùng nhiều đối tác phát triển các liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp về con giống chất lượng cao, sản xuất thịt sạch có truy xuất nguồn gốc và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi và người tiêu dùng Việt.

Phòng thông tin và truyền thông