Nhiều cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp bình phước sang thị trường nhật bản

Nhiều cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp bình phước sang thị trường nhật bản

Nhiều cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp bình phước sang thị trường nhật bản

Ngôn ngữ: Việt Nam
NHIỀU CƠ HỘI CHO SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP BÌNH PHƯỚC SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN

Sau sản phẩm gà có xuất xứ từ Công ty Cổ phần Hùng Nhơn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mới đây, tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt - Nhật do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA tổ chức tại Nhật Bản, nhiều cơ hội hợp tác đầu tư đã được mở ra cho ngành nông nghiệp của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

 

 

Công ty Cổ phần Hùng Nhơn là 1 trong 20 doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sang tìm kiếm thị trường, cơ hội hợp tác đầu tư tại Nhật Bản. Ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc công ty cho biết, Nhật Bản là một thị trường đầy tiềm năng và các sản phẩm nông nghiệp Bình Phước có thể tiêu thụ được ở thị trường này nếu được sản xuất, chế biến theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau thịt gà, tới đây Công ty cổ phần Hùng Nhơn sẽ xúc tiến để xuất thịt heo sang thị trường Nhật Bản thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất, chế biến.

Từng có câu hỏi đặt ra rằng, gà đi Nhật, còn các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh như: heo, trái cây đi đâu?. Câu trả lời là có thể đi vào thị trường gần 130 triệu dân của Nhật Bản, có thể đi vào hệ thống Siêu thị AEON tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài gà của Hùng Nhơn, Bình Phước chỉ có thêm sản phẩm rau quả của Hợp tác xã Nguyên Khang vào được hệ thống AEON. Nguyên do là hệ thống AEON chỉ tiếp nhận các sản phẩm đã qua chế biến bằng các quy trình khắt khe. Ông Hiroshi Yokoo, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn AEON (Nhật Bản) cho rằng, người Nhật sẽ không biết dùng thế nào nếu để nguyên con gà hay con cá vì họ không biết mổ. Do vậy, muốn qua thị trường Nhật Bản hay vào AEON, Bình Phước phải sớm hình thành một ngành công nghiệp chế biến thực phẩm chứ không thể xuất thô như hiện nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thế mạnh bậc nhất của tỉnh Bình Phước vẫn là nông nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Bình Phước xác định phải chủ động trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, dù Nhật Bản là thị trường khó tính, song giá trị gia tăng trên cùng một sản phẩm cao hơn các thị trường khác. Hiện Nhật Bản đã và đang triển khai chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp công tư tại một số tỉnh, thành, trong đó có Công ty cổ phần Hùng Nhơn của Bình Phước. Trong chương trình hợp tác này, Nhật Bản sẽ giúp chúng ta rà soát từng ngành hàng, nhóm sản phẩm để có biện hỗ trợ giúp đỡ cho nông dân nâng cao hơn chuỗi giá trị.

Theo thống kê, hơn một nửa nông sản tại Nhật Bản là nhập khẩu. Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm thúc đẩy, vấn đề còn lại là sự vào cuộc của doanh nghiệp và nông dân nhằm sớm định vị một giá trị mới cho nông sản để không còn cảnh “giải cứu” khi dư thừa hay được mùa mất giá.

Trần Thế - Báo Bình Phước